Rau dớn là loại rau rừng đặc trưng của vùng Tây Bắc. Rau này không những chế biến được nhiều món ăn ngon, mà còn là dược liệu rất tốt cho sức khỏe. Vậy rau dớn có tác dụng gì? Cùng Trang vàng nông nghiệp tìm hiểu những lợi ích của rau dớn mang lại cho sức khỏe trong bài viết này nhé
Rau dớn là rau gì?
Rau dớn là loài dương xỉ thân thảo có xuất xứ từ châu Á, thuộc họ Athyriaceae. Rau dớn không phải là rau quá phổ biến nhưng khá quen thuộc với người dân vùng Tây Bắc. Rau này được dùng làm thực phẩm và thuốc chữa bệnh trong các bài thuốc y học cổ truyền.
Cây rau dớn có rễ và thân ngắn, chiều dài từ 0.5 – 1m, mọc bò. Lá rau dớn có phiến kép lông chim 1 lần khi non và 2 lần khi đã già, hình dạng nhọn như ngọn giáo. Những lá rau dớn mọc so le với nhiều lá chét bên trong với khoảng 12 – 16 cặp mọc cách và lên dần, thường lá chét trên không có cuống còn lá chét dưới sẽ có cuống.
Ở gân phụ mặt sau của lá có ổ túi bào tử hình tròn, nhỏ, xếp đều trên gân. Ổ túi này hình bầu dục, mào hẹp, có màu vàng sáng. Nhìn bên ngoài rau dớn gần giống cây dương xỉ nên nhiều người hay nhầm lẫn. Rau có cành dài, những lá nhỏ xòe xung quanh gần giống tán ô. Phần đầu lá cong giống móc câu với những lá non vươn thẳng, còn phần đầu lá lại uốn cong giống vòi voi.
Rau dớn rừng mọc chủ yếu ở vùng núi rừng, gần những bờ suối, bờ khe, bên dưới những tán rừng thấp, nơi có độ ẩm cao. Loài cây này thích hợp trong môi trường tự nhiên hoang dã nên ít khi trồng được. Dù có quanh năm nhưng người sành ăn chỉ chọn rau dớn vào mùa mưa, vì khi đó cây tươi non, ăn sẽ ngon hơn nhiều.
Tại Việt Nam, rau dớn thường được thấy ở các tỉnh miền núi độ cao khoảng 1000 -2000m như: Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lai Châu, Thái Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi,… Ngoài ra, rau dớn cũng phân bố ở một số quốc gia khác như: Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Đài Loan, Lào, Campuchia, Malaysia, Indonesia,…
Rau dớn có phải là dương xỉ không
Rau dớn không phải là dương xỉ. Cây rau dớn là loài thực vật họ rau dớn, có hình dạng bề ngoài gần như cây dương xỉ nhưng không phải cây dương xỉ. Rau dớn chỉ là loài dương xỉ nhưng có thân rễ nghiêng. Cả hai loài cây rau dớn và dương xỉ đều thích hợp sống trong môi trường ẩm ướt, nhưng chúng hoàn toàn khác biệt nhau.
Ngoài ra, dương xỉ có độc tố mức nhẹ. Dương xỉ không thể dùng làm thực phẩm mà chỉ thích hợp sử dụng để làm cây trang trí, trồng viền, trồng nền hoặc trồng trong chậu cảnh treo phục vụ cho trang trí nhà ở, quán cà phê, cho không gian thêm tươi xanh, bắt mắt và thân thiện với thiên nhiên.
Rau dớn có tác dụng gì? Những công dụng không ngờ của rau dớn
Rau dớn có chứa tới 86% nước, 4% protid, 8% hydrocarbon gồm phần lớn là cellulose. Đây là loại cây mang lại giá trị dinh dưỡng cao. Những lá rau dớn non cũng có thể chứa lượng nhỏ độc tố dương xỉ, nhưng không gây nguy hiểm cho cơ thể. Đến nay, vẫn chưa ghi nhận bất cứ trường hợp ngộ độc rau dớn nào.
Tốt cho bệnh tiểu đường
Nghiên cứu về hoạt động ức chế glucosidase thực hiện từ 5 loại dương xỉ ăn được trong đó có cây rau dớn đã cho thấy khả năng của rau này mạnh hơn. Hơn nữa, rau dớn cũng có độc tính tế bào tùy thuộc vào liều lượng với tế bào K562.
Rau dớn có tác dụng gì – Hỗ trợ chống viêm và bảo vệ gan
Đánh giá hoạt động bảo vệ gan và chống viêm từ rau dớn, đã có nghiên cứu chỉ ra hoạt tính bảo vệ gan có công dụng ức chế độc tính tại gan do CCl4. Hơn thế nữa, chiết xuất metanol cũng cho thấy khả năng ức chế cao nhất với lipoxygenase và cyclooxygenase-2 ở nồng độ 1000 µg.
Giúp lợi tiểu, ngừa táo bón
Thực tế cho thấy các nghiên cứu của y học về công dụng này của cây rau dớn rừng là chính xác. Rau dớn được sử dụng để bào chế những loại thuốc lợi tiểu và chống táo bón hiệu quả. Hoặc đơn giản nếu dùng rau dớn thường xuyên, chúng ta rất ít khi bị các chứng táo bón hay bí tiểu làm phiền. Ngoài tính mát thì rau này còn có tính vị nhờn, tương tự giống rau mồng tơi, nên giúp nhuận tràng.
Rau dớn có tác dụng gì – Lưu thông máu tốt hơn
Không những có tác dụng giải nhiệt trong ngày nắng nóng mà rau dớn cũng được coi như loại thuốc giúp lưu thông máu huyết. Đây là một trong các thành phần quan trọng giúp bào chế nhiều loại bổ máu. Hơn nữa, ăn rau dớn thường xuyên giúp tĩnh an tâm thần, dễ ngủ, ngủ ngon hơn và trí lực ổn định.
Giúp dịu cơn đau xương khớp
Nhờ tính nhờn trong thành phần thân cũng như lá, rau dớn có thêm công dụng làm dịu những cơn đau lưng hay tay, chân. Thật ra nếu không có chuyên môn y học, người ta cũng có thể đoán được tác dụng tạo chất nhờn từ rau dớn. Có người còn dùng rau dớn rừng đập dập hoặc giã nhỏ để đắp vào chỗ sưng tấy, đỏ do chấn thương nhẹ giúp giảm đau. Ngoài ra, công dụng trị mụn nhọt, viêm da cho trẻ sơ sinh cũng được ghi nhận.
Rau dớn có tác dụng gì – Điều trị hậu sản sau sinh
Ở Malaysia, họ sử dụng rau dớn cho phụ nữ sau sinh với mục đích ngừa hoặc điều trị hậu sản. Tuy chưa có công bố chính thức nhưng thực tế có nhiều báo cáo cho thấy công dụng này của rau dớn khá hiệu quả. Ở Việt Nam, có thể áp dụng cho phụ nữ mới sinh giúp hỗ trợ về xương khớp, an thần và ngừa những chứng hậu sản.
Tác dụng khác
Thuốc sắc từ lá rau dớn được cho là giúp hạ sốt, hỗ trợ trị hen suyễn, tiêu chảy, chảy máu cam. Hơn nữa, bài thuốc này còn trị được sốt rét, đau tai, đau răng. Thân và rễ của cây rau dớn rừng được sử dụng để làm thuốc tẩy giun, ngừa côn trùng và sâu bệnh. Thuốc sắc ra cũng có thể điều điều trị bệnh ghẻ cóc.
Những bài thuốc từ rau dớn tốt cho sức khỏe
Chữa đau lưng, mỏi gối
Thành phần có: Cẩu tích 15 – 20gr, đỗ trọng 10 – 12g, thục địa 12 – 16g, dây tơ hồng 8 – 10g, sắc cùng 750ml nước lấy 200ml, chia 2 lần uống trước ăn.
Trị phong hàn thấp, tay chân nhức mỏi, đau lưng
Thành phần có: Cẩu tích 15 – 20g, ý dĩ 12 – 16g, rễ cỏ xước 10 – 12g, mộc qua 6 – 8g, sắc cùng với 750ml nước còn lại 200ml, chia thuốc này làm 2 lần uống trước ăn.
Chữa khí huyết suy yếu
Thành phần có: Cẩu tích 15 – 20g, xuyên khung 4 – 6g, tục đoạn 10 – 12g, đương quy 10 – 12g, cốt toái bổ 10 – 12g, tầm gửi cây dâu 12 – 16g, bạch chỉ 4 – 6g
Tìm hiểu những lợi ích từ rau ngót tại https://trangvangnongnghiep.net/rau-ngot-co-tac-dung-gi-bat-mi-cac-cong-dung-tuyet-voi-tu-rau-ngot.html
Những món ăn ngon từ rau dớn
Món luộc
Rau dớn vừa hái về còn tươi ngon mà đem luộc chấm với nước mắm thì không gì tuyệt vời hơn. Trước khi luộc, nên rửa và ngâm rau với nước muối loãng để diệt trứng côn trùng bám trên lá. Không luộc quá chín, rau sẽ bị nhũn và nhớt, mất hương vị của nó. Do vậy, khi nước vừa sôi, nhanh tay cho rau vào đảo đều rồi vớt ra ngay để ráo nước. Khi này rau không những một màu xanh bắt mắt mà giữ được độ giòn ngon.
Món trộn
Nên lấy tôm sông để có độ tươi ngon nhất. Tôm và thịt lợn ba chỉ thái hạt lựu ướp cùng với hành tím băm nhỏ, bột ngọt, nước mắm, hạt tiêu trộn đều lên, để trong vài phút cho ngấm. Tiếp đó, phi hành thơm rồi cho tôm thịt đã chuẩn bị vào xào chín. Khi thịt tôm chín và ngấm đều gia vị, mới cho rau vào đảo đều. Rau dớn trước khi trộn cũng nên luộc sơ qua. Trước khi bày ra đĩa, để món rau rừng hấp dẫn và thơm hơn, có thể rắc lên trên ít lạc rang.
Món xào
Rau dớn tươi mang rửa sạch, chần qua nước sôi rồi vớt ra cho ráo nước. Tiếp đến, phi vàng tỏi và cho phần rau đã chuẩn bị vào. Cuối cùng, cho hạt nêm, tương ớt, đường, hạt tiêu, lạc giã dập và chút nước cốt chanh rồi trộn đều lên.
Ngoài rau dớn xào tỏi có thể xào cùng với thịt bò, thịt lợn,… nhưng đừng quên rắc thêm ít mắc khén, hạt tiêu, để có hương vị đặc trưng của núi rừng. Mùi thơm nồng từ hạt tiêu bám vào từng ngọn rau rừng xanh, giòn còn vương chút nhớt. Đọng lại đầu lưỡi là vị thơm ngon nguyên sơ và đậm đà, mà ít có loại rau nào có được
Món nộm
Chọn ngọn rau dớn cong non, mang rửa sạch sau đó phơi nắng cho tái rồi cho vào chõ đồ xôi bằng gỗ đồ lên khoảng 20 phút. Tiếp đến, cho rau vào bát to rồi thêm tỏi, gừng, ớt, nước cốt chanh, rau thơm, hạt nêm, muối và trộn đều. Chờ 5 phút cho gia vị ngấm vào rau. Cuối cùng, thêm lạc rang giã nhỏ rải lên trên là hoàn thành.
Trên đây là những tác dụng của rau dớn cho sức khỏe. Hãy tham khảo và áp dụng thật hợp lý nhé
Xem thêm những tác dụng của tía tô TẠI ĐÂY