Viêm xoang là bệnh về tai mũi họng khá phổ biến ở Việt Nam hiện nay, có thể gặp ở bất kỳ ai. Bệnh gây đau nhức, khó chịu, ảnh hưởng nhiều đến công việc và hoạt động hàng ngày của người bệnh. Cùng Trang vàng nông nghiệp tìm hiểu thế nào là bệnh viêm xoang trong bài viết này nhé
1. Viêm xoang là bệnh gì?
Hệ thống xoang là nơi đảm nhiệm nghiệm vụ lưu thông không khí và dẫn lưu dịch của cơ thể. Viêm xoang còn gọi là viêm mũi xoang, là tình trạng nhiễm trùng, viêm niêm mạc hô hấp lớp lót trong những xoang cạnh mũi. Khi mắc viêm xoang, lớp niêm mạc phù nề gây ra tăng tiết dịch nhầy, trong khi phù nề thu hẹp đường kính những lỗ xoang làm cho dịch không thoát ra ngoài được dẫn tới tắc nghẽn xoang. Tác nhân gây ra tình trạng này là vi trùng, siêu vi trùng hoặc dị ứng.
Viêm xoang nếu diễn ra trong thời gian ngắn và khỏi trước 4 tuần thì gọi là viêm xoang cấp tính. Viêm xoang kéo dài trên 3 tháng và tái đi tái lại gọi là viêm xoang mãn tính.
2. Viêm xoang có mấy loại?
2.1. Phân loại dựa vào mức độ bệnh
Viêm xoang cấp tính
Viêm xoang cấp tính xảy ra do nhiễm trùng đường hô hấp với những triệu chứng giống như cảm lạnh (đau đầu, nghẹt mũi, chảy nước mũi, sốt, giảm độ nhạy khứu giác, hôi miệng, đau quanh mắt, mũi và má…). Viêm xoang cấp chia ra hai loại: viêm mũi xoang do vi khuẩn và viêm mũi xoang do virus cấp tính. Nhiều nhất là viêm mũi họng do virus. Bệnh thường hết trong khoảng 1 – 4 tuần.
Viêm xoang bán cấp
Nếu triệu chứng trên kéo dài từ 4 – 12 tuần, có thể đã bước sang giai đoạn viêm xoang bán cấp. So với viêm xoang cấp tính, những triệu chứng của viêm xoang bán cấp thường ít nghiêm trọng hơn nhưng được coi là giai đoạn chuyển tiếp giữa viêm xoang cấp tính và mãn tính.
Bệnh viêm xoang mạn tính
Hiện tượng viêm xoang kéo dài hơn 12 tuần, đồng nghĩa với người bệnh đã chuyển sang viêm xoang mãn tính (viêm xoang mạn). Nguyên nhân có thể do nhiễm trùng, nhưng phần lớn đến từ polyp mũi (khối u có cuống mềm hình thành ở niêm mạc) và vách ngăn mũi bị lệch.
Tình trạng dị ứng với một vài loại nấm, hoặc nhiễm nấm xoang cũng được coi là nguyên nhân gây viêm xoang mãn tính. Viêm xoang mạn được chia làm 3 loại: viêm mũi dị ứng do nấm, viêm mũi họng mãn tính không có polyp, viêm mũi họng mãn tính có polyp. Hay gặp nhất là viêm mũi họng mãn tính không có polyp. Những triệu chứng cũng gần giống như viêm xoang cấp tính.
Viêm xoang tái phát
Là tình trạng bênh nhân trải qua các đợt viêm xoang cấp tính lại nhiều lần trong một năm. Bệnh thường gặp ở người bị dị ứng và hen suyễn.
2.2. Phân loại dựa vào vị trí viêm
Viêm xoang hàm trên
Những xoang hàm trên nằm ở vị trí sau xương gò má và là xoang cạnh mũi lớn nhất trong những xoang mặt. Biểu hiện là các cơn đau nhức vùng mặt, sưng quanh mắt và má, thỉnh thoảng xuất hiện tình trạng đau đầu.
Viêm xoang sàng
Xoang sàng ở sâu trong hốc mũi, phía sau mặt nên biểu hiện viêm cũng không quá rõ ràng. Bệnh nhân thường cảm thấy đau nhức đầu vùng gáy, bị chảy dịch mủ, ho kéo dài.
Viêm xoang trán
Nằm ở vùng trán, khi nhiễm trùng hoặc sưng, xoang trán sẽ gây ra đau nhức vùng giữa trán lan sang thái dương. Ở giai đoạn nặng, sẽ có tình trạng đau vùng hốc mắt.
Viêm xoang bướm
Xoang bướm nằm trong thân của xương bướm, bao gồm 6 thành: thành trước, thành sau, thành trên, thành dưới và hai thành bên. Những biểu hiện khi viêm xoang bướm diễn biến nhanh gồm: sốt cao, rét run, đau gáy, nhức đầu, dịch chảy xuống mũi họng. Lan nhanh ra hai bên mắt và gây tỷ lệ tử vong cao.
Bệnh viêm đa xoang
Viêm đa xoang là hiện tượng viêm niêm mạc của một hay nhiều xoang cùng lúc do nhiễm khuẩn từ một xoang lan sang những xoang khác, dị ứng, ô nhiễm môi trường, cấu trúc giải phẫu bất thường, cơ thể giảm sức đề kháng,…
Xem thêm thông tin về bệnh huyết áp thấp TẠI ĐÂY
3. Bệnh viêm xoang có lây không? Có di truyền không?
Nếu bị viêm xoang do vi khuẩn, virus gây ra, bệnh có thể lây từ người này cho người khác khi tiếp xúc với dịch mũi, nước bọt hay sử dụng chung đồ dùng cá nhân của người bệnh. Nếu viêm xoang do dị tật ở mũi hay cơ địa, khả năng lây bệnh rất thấp, gần như không có.
Bệnh viêm xoang hoàn toàn là bệnh tự phát do những yếu tố môi trường sống, không có khả năng di truyền. Vì thế, bố mẹ mắc bệnh không nên quá lo lắng sẽ di truyền tới con. Tuy nhiên, con có khả năng cao bị bệnh do cùng chịu ảnh hưởng từ yếu tố môi trường, điều kiện thời tiết của bố mẹ.
Viêm xoang có thể được chữa khỏi nếu người bệnh áp dụng đúng phương pháp và kịp thời. Nếu không, bệnh dễ chuyển biến sang mãn tính và quá trình điều trị sẽ khó khăn và mất thời gian hơn rất nhiều
4. Nguyên nhân gây bệnh viêm xoang
Virus
Thông thường, những bệnh nhiễm trùng xoang đều bắt đầu từ các triệu chứng cảm lạnh. Nguyên nhân do virus, làm sung huyết mô mũi, chặn bít lỗ thông thường dẫn lưu xoang.
Nếu mắc từ nguyên nhân này, mọi loại thuốc đều không có công hiệu, triệu chứng bệnh được cải thiện sau khoảng một tuần. Thuốc nhỏ thông mũi có thể được dùng nhưng không dùng quá 5 ngày để tránh bị lệ thuộc. Biện pháp tốt nhất để ngừa xoang bị viêm do virus cũng tương tự như cảm lạnh và cảm cúm, là tiêm phòng vắc xin cúm hằng năm.
Dị ứng
Các nghiên cứu đã phát hiện rằng, người bị viêm xoang do dị ứng (viêm xoang dị ứng) có xu hướng nặng hơn so với bệnh nhân mắc bệnh do tác nhân khác. Do vậy, nếu cơ địa dễ mẫn cảm với phấn hoa, nước hoa, nấm mốc, lông vật nuôi,… hãy tránh xa những thứ này.
Vi khuẩn
Nếu mắc cảm lạnh và không thuyên giảm sau 10 – 15 ngày, nguyên nhân có thể do phế cầu khuẩn Streptococcus pneumoniae hoặc vi khuẩn Haemophilusenzae. Đây là các vi khuẩn thường khu trú trong khoang mũi họng, khi gặp vấn đề về sức khỏe, phế cầu khuẩn sẽ phát triển và gây ra bệnh. Cảm lạnh sau thời gian sẽ biến chứng thành viêm xoang. Tuy nhiên, viêm xoang do vi khuẩn có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vắc xin.
Polyp
Polyp mũi là các u nhỏ lành tính phát triển từ mô mũi hoặc xoang, khiến các hốc xoang tắc nghẽn, ngăn cản dịch mũi chảy ra và làm nhiễm trùng xoang. Những u nhỏ này cũng có khả năng hạn chế đường dẫn khí, gây đau đầu, giảm độ nhạy khứu giác.
Ô nhiễm không khí
Không khí ô nhiễm cũng gây kích ứng mũi, gây viêm, tăng nguy cơ mắc bệnh. Tình trạng càng nặng hơn nếu người bệnh đang bị dị ứng hoặc hen suyễn.
Bơi, lặn hồ bơi quá lâu
Nếu bị tình trạng dễ bị nhiễm trùng xoang, không nên bơi, lặn quá lâu ở hồ bơi. Chất clo trong hồ bơi gây kích ứng niêm mạc mũi, gây viêm mô, hình thành bệnh xoang.
Tần suất đi máy bay quá nhiều
Càng lên trên cao, áp suất không khí càng giảm. Việc này sẽ gây áp lực tích tụ trong đầu, chặn đường dẫn khí và làm các triệu chứng viêm xoang nặng hơn. Để khắc phục, có thể dùng thuốc nhỏ mũi hoặc ống hít trước khi máy bay cất – hạ cánh, giữ vùng xoang sạch sẽ.
Nấm
Nhiễm trùng xoang hay gặp ở người hệ miễn dịch yếu nhưng người khỏe mạnh cũng không nằm ngoài nguy cơ. Aspergillus là loại nấm phổ biến gây ra viêm xoang. Khi hệ thống miễn dịch suy giảm, nấm có cơ hội phát triển, đặc biệt trong môi trường ẩm và tối như các xoang.
Lạm dụng nhiều thuốc xịt mũi
Thuốc xịt mũi giúp sạch khoang mũi, giảm nghẹt mũi, nhưng cũng làm tắc nghẽn mạch máu trong mũi. Vì vậy, lạm dụng thuốc xịt mũi có thể làm các triệu chứng nặng hơn, đặc biệt khi không tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.
Hút thuốc lá
Khói thuốc lá cũng có thể kích ứng mũi và gây viêm, dẫn đến nhiễm trùng xoang. Lý do gây viêm là do hệ thống làm sạch xoang tự nhiên của mũi bị tổn thương bởi khói thuốc.
Bất thường bẩm sinh vùng mũi
Những bất thường ở mũi do bẩm sinh (khe hở vòm miệng, đường dẫn lưu hẹp, lệch vách ngăn mũi…) càng tăng nguy cơ nhiễm trùng xoang. Giải pháp phẫu thuật kịp thời sẽ giúp phòng ngừa và cải thiện những triệu chứng viêm xoang.
Tìm hiểu thông tin về bệnh Parkinson tại https://trangvangnongnghiep.net/benh-parkinson-la-gi-nguyen-nhan-trieu-chung-va-dieu-can-biet.html
5. Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm xoang
Đau nhức
Tùy thuộc mức độ, vị trí xoang bị viêm mà cảm giác đau nhức cũng khác nhau. Nếu viêm xoang hàm sẽ gây đau nhức vùng má, viêm xoang sàng trước thì sẽ thấy đau nhức vùng giữa 2 mắt, nếu viêm xoang trán sẽ đau nhức khu vực giữa 2 hàng lông mày, viêm xoang bướm làm đau nhức vùng gáy, đau sâu trong mũi.
Chảy dịch
Chảy dịch nhày mũi là hiện tượng mà phần lớn ai bị viêm xoang cũng mắc phải. Dịch nhày có thể chảy xuống họng hay chảy ra mũi trước. Chảy dịch mũi làm người bệnh thường xuyên khụt khịt và khó chịu ở cổ họng, khạc nhổ liên tục. Tùy mức độ bệnh, dịch mũi có thể màu trắng đục, vàng nhạt, hay màu xanh và mùi hôi khó chịu.
Nghẹt mũi
Nghẹt mũi có thể là dấu hiệu của bệnh cảm cúm thông thường nhưng ai mắc bệnh xoang dường như cũng phải có tình trạng này. Người bệnh có thể bị nghẹt 1 hoặc 2 bên mũi rất khó chịu và mệt mỏi.
Điếc mũi
Bệnh viêm xoang nếu không điều trị sớm thì bệnh sẽ càng nặng, gây phù nề nhiều và người bệnh có thể không phân biệt được mùi vì thần kinh khứu giác bị ảnh hưởng.
Ngoài 4 dấu hiệu phổ biến trên, người mắc viêm xoang còn có thể xuất hiện một số triệu chứng như: sốt, đau xung quanh mắt, chán ăn, mệt mỏi, đau nhức khi hắt hơi,…
6. Đối tượng nào dễ mắc bệnh viêm xoang
- Người có dấu hiệu bất thường về cơ thể học: vẹo vách ngăn mũi, phì đại cuốn mũi
- Phụ nữ trong giai đoạn mang thai
- Người thường xuyên làm việc với nhiều trẻ em
- Người hay hút thuốc lá
7. Cách phòng ngừa bệnh xoang hiệu quả
Phương pháp phòng tránh viêm xoang
- Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh để tránh cảm lạnh và cảm cúm hoặc điều trị một cách nhanh chóng
- Tiêm vacxin cúm hằng năm
- Rửa tay thường xuyên, nhất là sau khi bắt tay với người khác
- Tránh khói và những chất ô nhiễm
- Không lạm dụng các chất kích thích như: bia, rượu, thuốc lá
- Điều trị dị ứng nhanh chóng và phù hợp
- Dùng máy tạo độ ẩm để tăng độ ẩm cho mũi và xoang.
Tạo thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của bệnh xoang
- Uống nhiều nước.
- Ăn nhiều trái cây và rau quả vì chúng giàu chất chống oxy hóa có thể tăng cường miễn dịch và giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng.
- Tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ trong khi điều trị.
- Có lối sống tích cực, hạn chế căng thẳng, stress
- Liên hệ ngay bác sĩ khi cơ thể có các bất thường trong khi điều trị.
- Thăm khám định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn biến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị thích hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa thuyên giảm.
8. Bệnh xoang nên ăn gì, không nên ăn gì?
8.1 Bệnh xoang nên bổ sung gì?
“Thực đơn cho người xoang là gì” hay “Chế độ ăn uống cho người bệnh xoang” là thắc mắc của rất nhiều người. Sau đây là những thực phẩm tốt cho người bệnh xoang
Thực phẩm giàu kẽm
Bổ sung thực phẩm giàu kẽm trong chế độ ăn với người bệnh viêm xoang là điều rất cần thiết. Vì kẽm làm giảm nhanh tình trạng viêm nhiễm, sưng đỏ và thậm chí còn có công dụng giảm các cơn đau do viêm xoang gây ra. Các thực phẩm chứa nhiều kẽm phải kể đến: thịt gà, thịt lợn, đậu,…
Thực phẩm nhiều omega -3
Người viêm xoang nên ăn thực phẩm dồi dào omega 3 như: cá hồi, cá nục, cá mòi,… Lượng omega – 3 trong những thực phẩm này có thể đẩy nhanh quá trình phản ứng viêm tấy ở các vị trí trên đường hô hấp.
Uống nhiều nước lọc
Uống đủ nước mỗi ngày giúp bệnh nhân viêm xoang mũi giảm nhanh tiết dịch nhầy mủ. Ngoài ra, uống nhiều nước còn giúp lượng dịch nhầy tích tụ trong xoang loãng hơn và thoát ra ngoài dễ dàng.
Bổ sung thực phẩm chứa vitamin C
Người bệnh viêm xoang cần ăn nhiều hoa quả giàu vitamin C như: cam, quýt, chanh, ổi, kiwi, táo, bưởi vì đây là thành phần giúp tăng sức đề kháng và cải thiện hệ thống miễn dịch cơ thể. Bổ sung các thực phẩm này cũng làm giảm nguy cơ tấn công từ vi khuẩn, virus – tác nhân gây viêm xoang.
Thực phẩm chứa chất kháng sinh tự nhiên
Bệnh nhân viêm xoang nên bổ sung thực phẩm giàu kháng sinh như: gừng, tỏi, chanh, quất, mật ong,… Đây đều là thực phẩm tốt cho sức khỏe của bệnh nhân bị viêm xoang bởi chúng giúp kháng viêm, kháng khuẩn, đồng thời làm dịu và làm lành các thương tổn tại vùng niêm mạc mũi xoang.
8.2 Bệnh xoang nên kiêng ăn gì?
Kiêng sữa và sản phẩm từ sữa
Mặc dù sữa và các sản phẩm từ sữa giàu dinh dưỡng, chứa nhiều protein, canxi, vitamin D tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân viêm xoang, loại thực phẩm này lại được xem là “khắc tinh” vì có thể gây tình trạng tắc nghẽn đường mũi, làm ứ đọng dịch nhầy mủ.
Thực phẩm cay nóng
Các thực phẩm cay nóng như: ớt, mù tạt, hạt tiêu,… có thể gây kích ứng niêm mạc mũi, niêm mạc xoang, khiến những bộ phận này sưng tấy, phù nề. Từ đó làm lượng dịch mủ không thể tiết ra ngoài, gây ứ đọng ở các hốc xoang làm tình trạng viêm nhiễm ngày càng nặng hơn.
Chất kích thích
Nên tránh đồ chứa chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cafe, đồ uống có cồn,… bởi chúng có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus, phát triển mạnh, lây sang những vùng lân cận, gây các biến chứng, khiến bệnh nghiêm trọng hơn
Thực phẩm gây dị ứng
Người bệnh cũng cần tránh những thực phẩm mà bản thân bị dị ứng hoặc thực phẩm dễ gây dị ứng như: hải sản, ngao, sò, tôm, cua, lạc, các loại hạt,… Những bệnh nhân dị ứng với gluten cần kiêng bánh mì và các sản phẩm từ ngũ cốc. Nếu dị ứng với lactose cần tránh sữa và sản phẩm từ sữa.
Viêm xoang nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt. Qua bài viết này, các bạn đã có thêm nhiều kiến thức về bệnh viêm xoang. Chúc các bạn luôn khỏe mạnh
Tham khao thông tin về bệnh viêm đại tràng TẠI ĐÂY