Máu nhiễm mỡ: Nguyên nhân, triệu chứng và những thông tin cần biết

mau-nhiem-mo

Máu nhiễm mỡ là một trong những bệnh phổ biến nhất hiện nay, số người mắc máu nhiễm mỡ ngày càng tăng. Trong đó, chế độ ăn uống không khoa học, thừa chất, ít vận động là nguyên nhân chính gây béo phì, mỡ máu cao. Bệnh này thường xảy ra ở người trung và cao tuổi. Tuy nhiên, bệnh lý này đang có xu hướng trẻ hóa. Cùng Trang vàng nông nghiệp tìm hiểu cụ thể về bệnh máu nhiễm mỡ trong bài viết này nhé

1. Máu nhiễm mỡ là bệnh gì?

Máu nhiễm mỡ (còn gọi là mỡ trong máu, mỡ máu, mỡ máu cao hay rối loạn chuyển hóa lipid máu) là thuật ngữ để chỉ tình trạng rối loạn chuyển đổi chất béo trong cơ thể, làm lượng chất béo trong máu quá cao.

Thông thường, trong máu có một tỉ lệ mỡ nhất định. Tỉ lệ này được đánh giá qua các chỉ số xét nghiệm triglycerid, cholesterol. Khi bị máu nhiễm mỡ các chỉ số này sẽ cao hơn mức cho phép. Trong đó, chỉ số cholesterol cao là đặc trưng của tình trạng rối loạn mỡ máu.

Chất béo cần thiết cho việc cấu tạo nên cơ thể và cung cấp năng lượng để cơ thể hoạt động. Ngoài ra, chất béo cũng cung cấp và vận chuyển vitamin tan trong chất béo. Tuy vậy, một lượng lớn chất béo có thể gây các bệnh tim mạch, gây tiểu đường và béo phì.

Trong cơ thể có nhiều loại chất béo nhưng hai loại chất béo thường liên quan đến bệnh mỡ máu là cholesterol và triglyceride. Mỡ trong máu xảy ra do sự tăng cao của một hoặc cả hai loại chất béo này.

Cholesterol

Cholesterol vận chuyển trong cơ thể một dạng là lipoprotein. Có hai loại: HDL cholesterol (cholesterol tốt) và LDL cholesterol (cholesterol xấu). Tăng cholesterol nghĩa là tăng lượng LDL cholesterol.

Triglyceride

Triglyceride được dự trữ trong tế bào mỡ để dùng và là nguồn năng lượng chính trong cơ thể. Việc ăn uống quá nhiều chất béo khiến cơ thể không tiêu thụ kịp có thể dẫn tới nồng độ triglyceride cao. Nếu bị tăng triglyceride thì có khả năng cũng bị tăng cholesterol.

mau-nhiem-mo-la-gi

2. Bệnh máu nhiễm mỡ có nguy hiểm không?

Mỡ máu cao làm tăng nguy cơ mắc những bệnh khác tùy thuộc vào mạch máu nào bị hẹp hoặc bị chặn. Một số bệnh có thể kể tới như:

  • Bệnh tim mạch vành: Nếu cholesterol quá cao, lượng cholesterol thừa sẽ tích tụ trên thành động mạch và gây bệnh tim mạch. Tình trạng này khiến những động mạch bị thu hẹp và giảm lưu lượng máu đến tim. Bạn có thể bị đau thắt ngực do không đủ lượng máu đến tim hoặc nhồi máu cơ tim khi mạch máu bị chặn hoàn toàn và cơ tim bắt đầu chết.
  • Đột quỵ: có thể bị đột quỵ khi một mạch máu mang oxy và dinh dưỡng tới não bị tắc nghẽn hoặc vỡ. Do vậy, não không có lượng máu và oxy cần thiết nên bắt đầu chết.
  • Bệnh động mạch ngoại biên: Cholesterol cao còn ảnh hưởng tới động mạch ngoại biên, những mạch máu nằm ngoài tim và não. Chất béo thường tích tụ tại thành động mạch ở chân và bàn chân, gây ảnh hưởng đến tuần hoàn máu. Ngoài ra, bệnh cũng có thể ảnh hưởng đến các động mạch ở thận.
  • Bệnh tiểu đường tuýp 2: Ngay cả khi kiểm soát được lượng đường trong máu, bệnh nhân bị bệnh tiểu đường cũng có xu hướng bị tăng triglyceride, giảm cholesterol tốt và thỉnh thoảng tăng cholesterol xấu. Việc này làm tăng khả năng mắc xơ vữa động mạch.
  • Huyết áp cao: Khi cholesterol thừa và canxi tạo nên mảng bám khiến động mạch bị cứng và hẹp, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu qua các động mạch này. Vậy nên huyết áp cao bất thường.

Máu nhiễm mỡ có thể dẫn đến các chứng bệnh nguy hiểm nhưng có thể bảo vệ sức khỏe bằng cách kết hợp lối sống lành mạnh và dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Tìm hiểu thêm về bệnh Gout TẠI ĐÂY

3. Triệu chứng và dấu hiệu khi bị máu nhiễm mỡ

Máu nhiễm mỡ không có biểu hiện rõ ràng nên người bệnh thường khó nhận ra. Nhiều trường hợp bệnh nhân chỉ phát hiện mình bị máu nhiễm mỡ khi khám sức khỏe định kỳ hoặc bệnh chuyển sang giai đoạn nặng. Đặc biệt, bệnh mỡ máu cao ở người trẻ tuổi thường diễn biến thầm lặng và khó nhận biết hơn bệnh mỡ máu cao ở người cao tuổi.

Khi mắc bệnh mỡ trong máu, người bệnh có thể xuất hiện các dấu hiệu như: đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, đau tức ngực, tim đập nhanh, thở gấp…Bệnh phát triển tới giai đoạn cuối sẽ gây những triệu chứng nguy hiểm như: đau tim, cao huyết áp, xơ vữa động mạch.

Một số trường hợp xuất hiện ban vàng dưới da: da có nốt phồng nhỏ bề mặt bóng loáng, màu vàng, mọc nhiều trên mặt, khuỷu tay, gót chân, bắp đùi, lưng, ngực… to bằng đầu ngón tay và không có cảm giác đau, ngứa.

trieu-chung-mau-nhiem-mo

4. Nguyên nhân gây máu nhiễm mỡ là gì?

Mỡ máu cao thường xảy ra ở độ tuổi trung niên. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của lối sống thiếu lành mạnh, độ tuổi của bệnh nhân mắc máu nhiễm mỡ đang có xu hướng trẻ hóa. Bệnh máu nhiễm mỡ xảy ra do các nguyên nhân như:

Chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học

Ăn quá nhiều chất béo trong bữa ăn hằng ngày là nguyên nhân chính gây bệnh máu nhiễm mỡ. Trong đó, thịt bê, thịt bò, thịt lợn, trứng, sữa… có chứa nhiều chất béo bão hòa. Những loại thực phẩm đóng hộp, đồ ăn có dầu dừa, dầu cọ, bơ, ca cao cũng chứa hàm lượng chất béo cao. Nếu thường xuyên dùng các loại thực phẩm này sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh máu nhiễm mỡ.

Do cơ thể béo phì

Người bị béo phì có nguy cơ mắc máu nhiễm mỡ cao do hàm lượng cholesterol xấu trong máu cao trong khi lượng cholesterol trong máu thấp. Hơn nữa mỡ thừa tích tụ chủ yếu ở bụng và những cơ quan nội tạng gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe và hoạt động của cơ thể.

Do lười vận động

Lười vận động là thói quen xấu ở giới trẻ hiện nay, đây là lý do khiến bệnh máu nhiễm mỡ xuất hiện ngày càng trẻ hóa. Ít vận động sẽ làm tăng lipoprotein xấu và giảm cholesterol tốt trong máu. Vì vậy việc lười tập thể dục thể thao, thường xuyên ngồi, ít vận động thì nguy cơ mắc bệnh rất cao.

Do căng thẳng, stress kéo dài

Tâm lý căng thẳng, áp lực kéo dài cũng là nguyên nhân gây nên nhiễm mỡ ở máu. Khi gặp phải tình trạng này, cơ thể có xu hướng ăn nhiều hơn, nhất là đồ ngọt chứa nhiều đường hoặc đồ chiên rán nhiều dầu mỡ. Người áp lực, làm việc mệt mỏi cũng có xu hướng lười vận động, có thói quen uống rượu bia, chất kích thích làm nồng độ cholesterol xấu trong máu tăng nhanh.

Vấn đề giới tính và tuổi tác

Ở độ tuổi trước mãn kinh, từ 15 – 45 tuổi ở nữ giới thường có nồng độ mỡ máu thấp hơn so với nam giới. Tuy nhiên sau thời kỳ này, do hormone Estrogen giảm nên quá trình chuyển hóa chất béo gặp vấn đề, cholesterol xấu và triglycerid của nữ giới tăng cao, nguy cơ máu nhiễm mỡ và xơ vữa động mạch cũng tăng.

Yếu tố di truyền

Những nghiên cứu đã phát hiện, những người trong gia đình có bố mẹ, anh chị em hoặc ông bà mắc máu nhiễm mỡ thì nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn.

Do bệnh lý khác

Người bị bệnh lý rối loạn hoạt động tuyến giáp, tiểu đường,… cũng có nguy cơ mỡ trong máu cao hơn người bình thường.

Xem thêm những thông tin về bệnh táo bón tại https://trangvangnongnghiep.net/tao-bon-la-benh-gi-nguyen-nhan-trieu-chung-va-nhung-dieu-can-biet.html

5. Cách phòng tránh máu nhiễm mỡ hiệu quả

Máu nhiễm mỡ nếu được phát hiện sớm bệnh nhân có thể thay đổi chế độ ăn uống hợp lý, tập luyện thể dục thường xuyên để giảm nồng độ mỡ trong máu. Nếu để bệnh phát triển đến giai đoạn nặng, việc điều trị sẽ gặp khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Ngoài ra, rối loạn mỡ máu nếu không điều trị đúng cách và dứt điểm sẽ rất dễ tái phát. Để phòng ngừa bệnh mỡ máu cao, nên thực hiện theo các biện pháp sau:

  • Kiểm soát cân nặng cơ thể, duy trì ở mức vừa phải.
  • Hạn chế dùng chất béo bão hòa, những loại thịt màu đỏ như: thịt bò, thịt bê,…
  • Nên ăn các thực phẩm chứa nhiều chất béo có lợi.
  • Ăn thêm rau xanh, trái cây tươi để bổ sung chất xơ và chất khoáng cho cơ thể.
  • Hạn chế rượu bia, thuốc lá, chất kích thích…
  • Không nên ăn nhiều đạm, ăn tối quá muộn hoặc ăn quá nhiều vì gây khó tiêu, cholesterol bị đọng lại trên thành động mạnh.
  • Tập thể dục thể thao hằng ngày với các bài tập nhẹ nhàng, tối thiểu hằng ngày 30 đến 60 phút.

6. Khi xét nhiệm mỡ máu cần chuẩn bị gì?

Thời điểm tốt nhất xét nghiệm mỡ máu là vào buổi sáng và nhịn đói qua đêm ít nhất 12 tiếng. Vì thế trước khi lấy máu, cần chú ý:

  • Không ăn hoặc uống gì, kể cả trà, cà phê, sữa vào buổi sáng xét nghiệm. Có thể uống nước lọc.
  • Nếu xét nghiệm lúc 8 giờ sáng, không ăn hoặc uống gì sau 8 giờ tối.
  • Không ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ, uống rượu vào đêm hôm trước.
  • Không vận động, thể dục nặng trước khi lấy máu.
  • Khi có bệnh mạn tính cần uống hoặc tiêm thuốc vào buổi sáng, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ.

xet-nghiem-mo-mau

Xem những thông tin về bệnh viêm gan TẠI ĐÂY

7. Cách điều trị máu nhiễm mỡ

Duy trì lối sống khoa học

Nguyên nhân chính dẫn tới bệnh máu nhiễm mỡ là lối sống thiếu lành mạnh. Vì vậy để điều trị được bệnh, trước tiên, cần có lối sống khoa học và duy trì hằng ngày. Về chế độ ăn uống, bệnh nhân cần tránh ăn thực phẩm có quá nhiều chất béo và cholesterol, tăng cường ăn rau xanh và trái cây. Ngưng dùng thuốc lá, rượu, bia và thức uống có cồn khác. Đó là nguyên nhân làm tăng hàm lượng triglyceride trong máu.

Ngoài ra, người bị máu nhiễm mỡ cũng cần luyện tập thể thao. Người bệnh có thể rèn sức bền với các bài tập đi bộ nhanh, chạy bộ hoặc đạp xe….. Những bộ môn này giúp làm giảm nguy cơ rối loạn mỡ máu, bệnh mạch vành, giảm cân, hạn chế huyết áp cao, giảm stress. Hơn nữa, người bệnh cần khám sức khỏe định kỳ để theo dõi chỉ số mỡ máu thường xuyên và kịp thời phát hiện điều bất thường.

Sử dụng thuốc để điều chỉnh lượng mỡ

Hiện nay, bốn loại thuốc thường được bác sĩ dùng trong việc điều trị máu nhiễm mỡ, giúp làm giảm chỉ số cholesterol trong máu gồm:

  • Statins: giảm LDL, giảm nguy cơ gây biến chứng đau tim hoặc đột quỵ. Người bệnh khi dùng thuốc này nên bắt đầu điều trị từ liều thấp. Liều lượng thuốc có thể tăng theo hướng dẫn của bác sĩ nếu không đạt hiệu quả sau 4 – 6 tuần điều trị.
  • Niacin: giảm LDL và triglyceride, tăng HDL trong máu
  • Nhựa gắn acid mật: giảm LDl trong máu
  • Các dẫn xuất của acid fibric: giảm triglyceride trong máu.

8. Bệnh máu nhiễm mỡ nên ăn gì, không nên ăn gì?

8.1. Bệnh máu nhiễm mỡ nên ăn gì?

Thực đơn cho người máu nhiễm mỡ là gì” hay “Chế độ ăn uống cho người máu nhiễm mỡ” là thắc mắc của rất nhiều người. Sau đây là những thực phẩm tốt cho người máu nhiễm mỡ

Hoa quả tươi

Pectin là loại chất xơ hòa tan có tác dụng giảm thiểu mỡ máu rất hiệu quả. Chất xơ này có rất nhiều trong các loại trái cây như: nho, dâu tây, táo,… Và để đảm bảo cơ thể hấp thụ tối đa dinh dưỡng có trong những loại quả này cần mua ở những địa chỉ sạch sẽ, tươi ngon, không thuốc trừ sâu và chất bảo quản. Nhưng, không phải ltrái cây nào cũng phù hợp cho người bị mỡ máu nên người bệnh cần tránh những quả có nhiều glucose khiến đường huyết tăng cao như: vải, nhãn, xoài, mít,…

hoa-qua-tuoi

Một số loại ngũ cốc nguyên hạt

Để phân biệt với ngũ cốc tinh chế (bánh mì, bột mì) thì ngũ cốc nguyên hạt là các loại hạt chỉ được loại bỏ lớp vỏ trấu bên ngoài, giữ lại nguyên phần nhân bên trong. Do vậy hàm lượng và giá trị của những chất dinh dưỡng sẽ gần như được giữ nguyên trong ngũ cốc nguyên hạt. Những loại hạt ngũ cốc có thành phần chính là beta glucan, chất xơ tan giúp hạn chế tăng cholesterol trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch nhờ lượng lớn chất oxy hóa có trong những loại hạt này.

Đậu và rau xanh

Như ở trên đã nói, chất xơ có thể giúp bệnh nhân máu nhiễm mỡ giảm lượng lớn cholesterol trong máu. Phần lớn chất xơ sẽ có trong các nhóm rau củ quả tươi. Tương tự như ngũ cốc hòa tan, nguồn chất xơ dồi dào được tìm thấy trong nhiều loại đậu. Vì thế, thực đơn hàng ngày cho người máu nhiễm mỡ cần bổ sung thêm đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ hoặc giá đỗ giúp cải thiện tình trạng bệnh.

dau-va-rau-xanh

Tăng cường dùng sữa chua, sữa tươi và phô mai

Một vài loại sữa hoặc phô mai có hàm lượng từ 1 – 2% chất béo sẽ thích hợp cho những người mỡ máu. Những sản phẩm này nên được sử dụng hàng ngày để hỗ trợ tiêu hóa và hạn chế nạp quá nhiều chất béo vào cơ thể.

8.2. Bệnh máu nhiễm mỡ nên kiêng ăn gì?

  • Thực phẩm chế biến sẵn: các món như: lạp xưởng, xúc xích, thịt hun khói, thịt hộp nhiều chất béo đã bị chuyển hóa và có hàm lượng triglyceride cao có hại cho sức khỏe của người bệnh
  • Sản phẩm làm từ thịt béo: các loại thịt đỏ, da gia cầm, mỡ lợn, bơ, nội tạng động vật,… chứa nhiều cholesterol cũng như chất béo bão hòa. Đây là kẻ thù số 1 với hệ tim mạch
  • Món ăn được chế biến bằng quá nhiều dầu mỡ: các món nướng, chiên xào, rán gồm bánh nướng, bánh rán, bơ thực vật, khoai tây chiên,…
  • Không lạm dụng đồ uống có cồn như: bia, rượu, chất kích thích, và cũng tránh xa khói thuốc lá, thuốc lào
  • Hạn chế dùng đường tinh luyện trong chế biến món ăn hay khi tiêu thụ sản phẩm có sẵn như: bánh kẹo, nước ngọt có gas,…

Bệnh máu nhiễm mỡ nếu không phát hiện và điều trị kịp thời rất có thể sẽ dẫn đến nhiều biến chứng cực kỳ nguy hiểm. Qua bài viết này, các bạn đã có thêm nhiều kiến thức về bệnh máu nhiễm mỡ. Chúc các bạn có sức khỏe dồi dào

Đọc thêm thông tin về bệnh hen suyễn tại https://trangvangnongnghiep.net/benh-hen-suyen-nguyen-nhan-dau-hieu-va-nhung-dieu-can-biet.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *